Tìm hiểu về các định hướng chuyên ngành Dược học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
NTTU – Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng ngày càng được quan tâm. Trong sự phát triển đó thì khối ngành sức khoẻ nói chung và ngành Dược nói riêng ngày càng chú trọng đến đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất các dược phẩm đa dạng, chất lượng tốt để phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Khoa Dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiên đang là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực dược có chất lượng, uy tín, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, quốc gia và khu vực. Trong tương lai, khoa sẽ ngày càng chú trọng cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, đồng thời cũng sẽ đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế… tiếp tục đào tạo nên các thế hệ dược sĩ “giàu y đức, giỏi chuyên môn và biết dấn thân vì cộng đồng”.
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sinh viên ngành Dược học đang được đào tạo theo 3 định hướng chuyên ngành chính là: – Sản xuất và phát triển thuốc; – Quản lý và cung ứng thuốc; – Dược lâm sàn.
Định hướng chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc
Với mục đích cơ bản nhất của bào chế là tạo ra được dạng thuốc hợp lý, hiệu quả, an toàn và kinh tế cho người sử dụng, người học sẽ được cung cấp đầy đủ các kỹ năng thao tác dụng cụ, máy móc và lý luận cơ sở trong việc sản xuất thuốc. Chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc cung cấp cho sinh viên:
- Kiến thức cơ bản về thực vật, dược liệu, dược học cổ truyền, chiết xuất, công nghệ sinh học, bán tổng hợp/tổng hợp trong sản xuất nguyên liệu làm thuốc và vận dụng các kiến thức này để xây dựng quy trình và sản xuất một số nguyên liệu làm thuốc;
- Kiến thức, kỹ năng về triển khai thực hiện nghiên cứu, phát triển công thức các dạng thuốc, giúp người học đánh giá được vai trò, ảnh hưởng của các thành phần trong công thức, quy trình bào chế, sản xuất đến độ ổn định, độ an toàn, sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của thuốc, từ đó xây dựng, triển khai quy trình sản xuất một số dạng bào chế quy ước;
- Kỹ năng thực hiện được việc tổ chức và pha chế một số thuốc tại cơ sở điều trị; Vận dụng một cách phù hợp, trách nhiệm và có đạo đức những kiến thức về dạng bào chế, sinh dược học trong lựa chọn và sử dụng thuốc…
- Kiến thức tổng quát về hệ thống quản lý chất lượng thuốc, các nguyên tắc chuẩn mực áp dụng trong hệ thống quản lý chất lượng thuốc và kiến thức cơ bản về các kỹ thuật phân tích thường được sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, từ đó triển khai được việc phân tích, kiểm nghiệm thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Dược điển Việt Nam;
- Kiến thức để xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc;
- Kiến thức và áp dụng được các nguyên tắc thực hành tốt (GPs) trong sản xuất và cung ứng, từ đó, tham gia xây dựng và áp dụng các quy trình thao tác chuẩn (SOPs) để đảm bảo chất lượng thuốc;
Bên cạnh khối kiến thức lý thuyết khổng lồ, sinh viên chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn được trang bị kiến thức cũng như kỹ năng bào chế, sản xuất ra các sản phẩm thuốc thông qua các môn học thực hành và được tự tay làm ra những sản phẩm thuốc tại các phòng thực hành được trang bị máy móc trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, sinh viên còn được đào tạo cũng như thực tập tại các nhà máy sản xuất dược phẩm đạt chuẩn GMP dưới sự hướng dẫn của các dược sỹ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và đam mê với nghề.
Trên nền tảng đó, sinh viên sau tốt nghiệp chuyên ngành Sản xuất và phát triển thuốc có thể vào làm tại các xí nghiệp sản xuất dược phẩm ở các vị trí: Nghiên cứu và phát triển thuốc (R&D – Research and Development); Đảm bảo chất lượng thuốc (QA – Quality Assurance); Kiểm nghiệm thuốc (QC – Quality control); Bảo quản thuốc (GSP – Good Storage Practice)…
Định hướng chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc
Chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc do Bộ môn Quản lý dược phụ trách đã thu hút hơn 90% sinh viên hệ chính quy và liên thông lựa chọn. Chuyên ngành này cung cấp cho sinh viên các kiến thức về:
- Luật dược và văn bản dưới luật khác về những quy định trong hoạt động nghề nghiệp của dược sỹ;
- Các tiêu chuẩn thực hành tốt trong phân phối thuốc như GDP, GSP, GPP;
- Marketing dược, kinh tế dược;
- Kinh tế y tế, lựa chọn thuốc bằng các phương pháp phân tích chi phí – hiệu quả;
- Phương pháp bảo quản các dạng thuốc;
- Cách phân tích dược xã hội học, cơ cấu tổ chức ngành y tế;
- Khả năng vận dụng được các quy định về cung ứng trong quản lý sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả và kinh tế; và một số phương pháp phân tích danh mục thuốc sử dụng tại cơ sở y tế trong quản lý cung ứng thuốc;
- Kỹ năng phân tích kết quả hoạt động kinh doanh tại các cơ sở kinh doanh dược; lập kế hoạch đáp ứng các giai đoạn của chu trình cung ứng thuốc;
- Thái độ tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan khi hành nghề dược; quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, các quy tắc đạo đức trong hành nghề dược;
Vì vậy sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, sinh viên có thể dễ dàng tìm việc tại các vị trí như: – Quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược; – Làm việc tại khoa Dược các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở kinh doanh dược, các cơ sở sản xuất thuốc, buôn, nhập khẩu thuốc, các hệ thống bán lẻ; – Tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y tế liên quan đến lĩnh vực dược học…
Định hướng chuyên ngành Dược lâm sàng
Hiện nay, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta, nhất là tại các bệnh viện, do nhiều lý do khác nhau mà đội ngũ làm công tác dược lâm sàng vẫn còn rất “mỏng”. Khoa Dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo chuyên ngành dược mong muốn cung ứng nguồn nhân lực dược sĩ lâm sàng cho chiến lược phát triển của ngành dược Việt Nam, đáp ứng nguồn nhân lực hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Với mục tiêu đó, sinh viên theo học chuyên ngành Dược lâm sàng tại sẽ được trang bị các kiến thức về:
- Bệnh học, dược lý, dược lâm sàng để xây dựng và triển khai kế hoạch điều trị cho bệnh nhân;
- Cảnh giác dược, chăm sóc dược theo dõi, giám sát việc sử dụng thuốc trên người bệnh;
- Dược bệnh viện, đảm bảo an toàn người bệnh tham gia các hoạt động thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý tại cơ sở y tế;
- Kỹ năng giao tiếp với với người bệnh, khách hàng, đồng nghiệp;
- Kỹ năng cộng tác với đồng nghiệp, kỹ năng tự đánh giá, giám sát công việc của bản thân, tự học hỏi để hoàn thiện và phát triển nghề nghiệp;
Do đó, sinh viên khi tốt nghiệp sẽ được tiếp cận được chuẩn năng lực cơ bản dược sĩ Việt Nam, trở thành một dược sĩ lâm sàng với trình độ, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc thực tế, được công nhận qua đánh giá, kiểm định theo chuẩn năng lực nghề nghiệp và có thể tham gia làm việc tại: – Các bệnh viện công lập, ngoài công lập, các phòng khám; – Hệ thống nhà thuốc, các nhà thuốc lẻ tư nhân đạt chuẩn GPP; – Viện dưỡng lão và các loại hình chăm sóc sức khỏe khác liên quan đến thuốc; – Các trường đại học đào tạo y – dược, hoặc dược; – Viện nghiên cứu/ Trung tâm nghiên cứu liên quan đến thuốc và chăm sóc sức khỏe; – Các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực dược lâm sàng (nếu có).
Khoa Dược