Tìm hiểu về biến thể Omicron SARS-CoV-2
NTTU – Việc xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 là Omicron đã gây hoang mang cho nhiều quốc gia, song những thông tin về Omicron hiện vẫn còn rất mơ hồ và cũng chưa có nhà khoa học nào dám khẳng định thông tin cụ thể gì về mức độ nguy hiểm của nó so với các chủng Alpha hay Delta
Đặc tính vốn có của virus là chúng biến đổi liên tục, và SARS-CoV-2 cũng thế. Vào ngày 30/11/2021, thông tin về biến chủng mới của SARS-CoV-2 là Omicron gây hoang mang cho phần lớn dân số trên thế giới. Các nhà khoa học hiện vẫn còn đang thu thập thêm dữ liệu và nghiên cứu sâu hơn về Omicron. Do đó, những thông tin về biến chủng mới này của SAR-CoV-2 hiện nay còn rất mơ hồ, không có gì là chắc chắn và chưa có ai dám khẳng định cụ thể gì về mức độ nguy hiểm của nó so với các chủng Alpha hay Delta.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về biến thể Omicron. Tên của biến thể mới nhất của SARS-CoV-2 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra qua các tiêu chí sau:
♦ Độc lực của biến thể mới
Theo tạp chí khoa học uy tín Nature thì biến thể mới này xuất phát từ Botswana qua giải trình tự gene của một ca nhiễm và được định danh là B.1.1.529 – nguyên nhân của tất cả 77 ca nhiễm trong một đợt nhễm mới tại tỉnh Gauteng (Thành phố Johannesburg, Nam Phi). Biến thể này dễ nhận ra là vì gai (spike) của virus có 30 điểm khác biệt so với biến thể gốc. Một số thay đổi hay khác biệt này đã được tìm thấy trong biến thể Delta lẫn Alpha, và chúng có liên quan đến khả năng kháng kháng thể.
♦ Khả năng gây ra một làn sóng dịch mới
Theo lý thuyết thì biến thể có độ lây lan càng cao thì độ độc hại càng giảm. Điển hình như virus H1N1 – nguyên nhân gây ra đại dịch cúmTây Ban Nha vào năm 1918 và Swine Flu năm 2009. Hay virus OC43 là một biến thể của coronavirus (tác nhân gây cảm cúm) có vẻ càng ngày càng ít độc hại hơn (trước đây virus này là nguyên nhân gây nên đại dịch năm 1890 giết chết hơn 1 triệu người).
Biến thể Delta khi mới xuất hiện cũng làm cho thế giới quan ngại là nó sẽ gây ra đại dịch mới. Nhưng đến nay thì chúng ta thấy nó có hệ số lây lan rất cao (6 hay 7), nhưng nguy cơ tử vong thì có nơi thấp, có nơi cao. Mặt khác, theo các ghi nhận hiện nay thì khi nhiễm chủng Omicron, người bệnh thường không bị mất khứu giác hoặc vị giác, có thể bị ho nhẹ, đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày, gần với triệu chứng cảm thông thường. Do đó chúng ta có thể hy vọng xác suất mà biến thể mới Omicron gây ra một làn sóng dịch mới là rất thấp.
♦ Hiệu lực của vaccine đối với biến thể mới
Tất cả các vaccine được thiết kế phòng chống biến thể gốc, do đó vaccine hiện hành có hiệu quả thấp đối với các biến thể mới sau này. Điều này cũng lý giải được nguyên nhân tại sao nhiều nước ghi nhận sự gia tăng số ca với biến thể Delta. Suy ra từ đó, chúng ta có thể thấy rằng các vaccine cũng có hiệu lực với biến thể mới nhưng chắc chắc không hiệu quả được như trong thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, có vài thông tin đáng chú ý về biến thể Omicron. Ở Hong Kong, các giới chức y tế phát hiện 2 bệnh nhân bị nhiễm biến thể Omicron và cả hai đều được tiêm chủng 2 liều vaccine Pfizer. Ở Phi châu, người ta cũng ghi nhận hơn 100 ca nhiễm đột phá mà tác nhân chính là Omicron. Những thông tin này khó nói lên điều gì, nhưng nó cho thấy vaccine không hẳn là cái “áo giáp” chống lại tất cả biến thể của virus nCov.
Tóm lại, biến thể Omicron được phát hiện ở Botswana và đang là biến thể đáng lo ngại theo nhận định của WHO. Song thông tin về nó hiện nay thì chưa đầy đủ. Nếu định luật sinh học về sự sinh tồn của virus là đúng thì chúng ta hy vọng rằng biến thể mới sẽ có mức độ lây lan cao nhưng ít độc hại hơn (hiểu theo nghĩa nguy cơ tử vong thấp hơn). Sự xuất hiện của Omicron là một minh chứng cho thấy chúng ta phải sống chung với nCov và chiến lược zero covid là không khả thi. Điều chúng ta cần làm bây giờ là thực hiện tiêm vaccine mũi cơ bản (2 mũi), thúc đẩy nhanh mũi 3 trong vòng từ 3 đến 6 tháng sau mũi 2, thực hiện 5K, bình tĩnh và chờ đợi thông tin đầy đủ từ biến thể mới này.
Mong rằng mọi người, mọi nhà trên thế giới đều sẽ bình an vượt qua đại dịch, và rồi chúng ta lại được gặp nhau, cùng nhau hàn thuyên tâm sự. Hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ luôn mỉm cười vì “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười… đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…”.
Tổng hợp: ThS. Nguyễn Thanh Tố Nhi
(Bài viết có tham khảo thông tin bài viết của GS. TS. Nguyễn Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc)