SGGP – Bước chuyển mình mạnh mẽ của các trường đại học ngoài công lập
Sau 28 năm hình thành và phát triển, hệ thống các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập to lớn của xã hội, trong khi hệ thống trường ĐH công lập và ngân sách nhà nước không thể choàng gánh nổi. Bên cạnh những ngổn ngang bất cập, thì hiện nay vẫn có nhiều trường đã trở thành minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Những điểm sáng
Một trong những thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam cuối những năm 80 của thế kỷ trước là sự ra đời của hệ thống các trường ĐHNCL. Mở đầu là Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long vào năm 1989 (nay là Trường ĐH Thăng Long). Đến nay đã có đến 60 trường ĐHNCL, chiếm 25,5% số trường ĐH trong cả nước; với quy mô đào tạo hơn 232.000 sinh viên (chiếm 13,16% sinh viên cả nước). Cùng với đó, quy mô và các ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng.
Quá trình phát triển cho đến nay có nhiều trường ĐHNCL đã và đang khẳng định được thương hiệu, khi nhà đầu tư có tâm huyết với giáo dục. Nhiều trường đầu tư mạnh để mua đất đai, xây dựng cơ sở vật chất, thu hút nhiều tiến sĩ trẻ trong và ngoài nước, đầu tư nghiên cứu khoa học (NCKH). Nếu như trước đây, đội ngũ giảng viên ở các trường ĐHNCL chủ yếu là thuê mướn thì hiện nay, nhiều trường ĐHNCL có đội ngũ giảng viên rất hùng hậu, thậm chí vượt xa nhiều trường ĐH công lập.
Thống kê mới nhất mà Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện cho thấy, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dẫn đầu với 1.540 giảng viên (1.211 cơ hữu, 329 thỉnh giảng), Trường ĐH Công nghệ TPHCM 1.311 giảng viên (925 cơ hữu, 386 thỉnh giảng), Trường ĐH Duy Tân 956 giảng viên (731 cơ hữu, 225 thỉnh giảng). Điều đáng nói là tỷ lệ giảng viên có trình độ PGS, GS chiếm đến 5% (cả nước là 6%).
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được đánh giá có tổng mức chi đầu tư cơ sở nhiều nhất
(trong ảnh: Viện Nghiên cứu công nghệ cao của ĐH Nguyễn Tất Thành tại Khu Công nghệ cao TPHCM)
Về cơ sở vật chất, đa số các trường phát triển theo hướng thực hành nên có 43/59 trường báo cáo có phòng thí nghiệm, 45 xưởng thực hành. Chi phí mỗi trường tự đầu tư cho mỗi phòng thí nghiệm là 8,6 tỷ đồng; xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng. Trong đó, 2 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất 3 sao (do tổ chức Anh quốc đánh giá) gồm Trường ĐH FPT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Về tình hình tài chính, cả nước có 3 trường có tổng thu lớn nhất gồm Trường ĐH FPT, Trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (trường này cũng có mức chi đầu tư cơ sở vật chất lớn nhất trong các trường ĐHNCL). Trong năm 2016, các trường nộp ngân sách nhà nước 111 tỷ đồng và tính đến nay, các trường ĐHNCL nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng nói hơn là nhiều trường đầu tư mạnh cho NCKH và có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới như: Trường ĐH Duy Tân có 20 công trình NCKH cấp nhà nước (417 bài báo quốc tế), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 17 công trình NCKH cấp nhà nước (102 bài báo quốc tế).
Tạo thuận lợi cho các trường phát triển
Theo đề xuất của Nhóm khảo sát các trường ĐHNCL, để tạo thuận lợi cho các trường NCL phát triển và đạt tỷ lệ 40% sinh viên NCL (trên tổng số sinh viên cả nước), Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ cần có những điều chỉnh về mặt chính sách. Trước hết là chính sách thuế, vì hiện nay việc coi các trường như một doanh nghiệp để thu thuế làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục. Hầu hết các trường hiện nay phải đóng 100% thuế sử dụng đất. Song song đó, Bộ GD-ĐT phải đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH.
Về phía Bộ GD-ĐT, phải tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục ĐH, sáp nhập, giải thể đối với những cơ sở giáo dục ĐH không thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường. Đồng thời, tạo lập môi trường bình đẳng về tài chính cho các trường ĐHNCL, như bình đẳng tiếp cận nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác, đầu tư thông qua người học theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên học giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đánh giá về những đóng góp của các trường ĐHNCL, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Những đóng góp của các trường NCL cho hệ thống giáo dục ĐH là rất đáng trân trọng. Đây là minh chứng cho chủ trương xã hội hóa đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý còn thiếu, chưa tạo an tâm cho các nhà đầu tư và đây chính là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Do đó, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH để rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy định. Bộ cũng sẽ làm rõ vấn đề phi lợi nhuận và kèm theo đó những chính sách phù hợp, tăng cường kiểm soát chất lượng. Bộ sẽ đưa ra những quy định nhằm tạo điều kiện cho các trường NCL được hưởng các chính sách như các trường công lập như học bổng cho sinh viên, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…
Theo PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường ĐHNCL, cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào – kể cả khi so sánh với một số trường ĐH công lập. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực (đội ngũ giảng dạy) của các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. |
THANH HÙNG