Những chính sách cần sửa đổi để thúc đẩy hợp tác giữa các trường ngoài công lập
NTTU – Ngày 23/8 tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, GS.TS Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – Chủ tịch hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng Việt Nam chủ trì buổi hội thảo về “Các vấn đề tồn tại, những chính sách cần sửa đổi để thúc đẩy hệ thống và cơ hội hợp tác giữa các trường đại học”. Đây là kết quả làm việc tại buổi họp mặt kiện toàn CLB các trường đại học cao đẳng ngoài công lập được tổ chức vào ngày 16/6 vừa qua.
Tham dự hội thảo còn có PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; PGS.TS Trần Quang Quý – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng Việt Nam; TS Lê Trường Tùng – Chủ nhiệm CLB các trường đại học – Cao đẳng ngoài công lập – Chủ tịch hội đồng trường ĐH FPT; cùng với sự tham gia đại diện của 20 trường đại học ngoài công lập.
GS.TS Trần Hồng Quân chủ trì cuộc hội thảo
Tại hội thảo, GS.TS Trần Hồng Quân cũng đã khẳng định “trong suốt 20 năm qua hệ thống các trường ngoài công lập đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của giáo dục đại học cả nước. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những vấn đề tồn tại cần hoàn thiện. Thông qua hội thảo lần này, rất mong có nhiều ý kiến chia sẻ từ các đại biểu tham dự để có những kiến nghị gửi đến các cấp lạnh đạo”.
PGS – TS Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất thành chỉ ra rằng, Ở một số nước trên thế giới, tỉ lệ sinh viên học tại các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) khá lớn. Chẳng hạn tại Philipin chiếm 86%, Hàn Quốc 75%, 60% ở các nước Brazil, Indonesia, Columbia….Thậm chí 10 trường hàng đầu thế giới thì có ít nhất 8 trường tư thục và chỉ có hai trường công lập. Chảng hạn tại Mỹ, trong 10 trường thuộc hạng top thì có 9 trường ngoài công lập như Harvard, MIT….Tuy nhiên, tại Việt Nam đến nay số lượng sinh viên của ĐHNCL vẫn chưa đạt mức 13,16%. Từ những yếu tố trên có thể thấy vai trò và vị thế của ĐHNCL vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức và chưa tạo động lực và được “đối xử” bình đẳng về chính sách, cơ chế, điều kiện để tồn tại và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó cần có phương án nghiên cứu bài bản hơn từ đó đưa ra những chính sách, mô hình và cơ chế phù hợp…
Ngoài ra PGS – TS Trần Thị Hồng cũng đã đưa ra một số để xuất với các đại biểu tham dự hội nghị như: Cần chia sẻ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường các hoạt động của các CLB, đưa các ClB hoạt động có định hướng và chuyên sâu hơn. Ngoài ra cần bình đẳng giữa công – tư và luật hóa về các vấn đề tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình. Trong đó cần làm rõ “Các trường được tự chủ cái gì?” “Vai trò của Bộ GD&ĐT bây giờ là gì? kiểm soát hay giám sát”.
Các đại biểu tham dự
Cùng với quan điểm trên, TS Nguyễn Cảnh Cam – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM cũng đề xuất, kiến nghị giúp các trường đại học – cao đẳng ngoài công lập phát triển bền vững. Cụ thể, thứ nhất, về chính sách hỗ trợ của nhà nước. Hiện nay, trong hệ thống trường công và tư chưa có sự bình đẳng về chính sách hỗ trợ của nhà nước. Sinh viên học trường công được hưởng chính sách hỗ trợ học phí của nhà nước, còn sinh viên trường ĐHNCL lại không được hỗ trợ. Điều này tao sự không công bằng cho người học của hai hệ thống. Thứ hai, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp NCL tiếp cận nguồn tài chính lãi xuất thấp trong và ngoài nước để tăng cường năng lực công nghệ và cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục NCL để cơ sở có điều kiện tái đầu tư đổi mới trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện giảng dạy theo sự phát triển của công nghệ 4.0.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu ghi nhận những ý kiến đề xuất, từ đó xem xét những vấn đề bất cập, chưa phù hợp để để từ đó kiến nghị lên lãnh đạo các cấp về hướng quy hoạch mạng lưới giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.