Hội thảo góp ý chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử
NTTU – Sáng ngày 07/04, tại phòng họp 1, cơ sở 4 trường ĐH Nguyễn Tất Thành (17/6 Phan Huy Ích, Gò Vấp) đã tổ chức buổi Hội thảo góp ý mục tiêu chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử. Đây là một hoạt động thiết thực nằm trong công tác đảm bảo chất lượng đào tạo hằng năm của nhà trường.
Buổi hội thảo diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo, các giảng viên khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử trường ĐH Nguyễn Tất Thành và các cán bộ quản lý của các công ty như: TNHH Sản xuất – Thương mại Đạt Bình; TNHH Thương mại – Dịch vụ Công nghệ mới Toàn Phát; Công ty Điện mặt trời Vũ Phong; Công ty TNHH Nevon…
Mục đích buổi hội thảo chính là việc nhận góp ý từ phía doanh nghiệp có sử dụng đội ngũ kỹ thuật viên là sinh viên của nhà trường, trong việc xây dựng chương trình đào tạo và xác định chuẩn đầu ra cho ngành Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử trong giai đoạn phát triển mới.
TS Nguyễn Tấn Phước – Trưởng khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử có những trình bày về mục tiêu trong xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra trong năm 2017
Tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Tấn Phước – Trưởng khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử đã trình bày mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo trong năm 2017 cho 27 chuyên ngành thuộc 14 khoa đang được đào tạo tại ĐH Nguyễn Tất Thành theo chuẩn CDIO. Việc áp dụng mô hình CDIO trong xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo là một trong những giải pháp quan trọng góp phần chuẩn hóa công tác xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tại một trường Đại học, tạo thuận lợi trao đổi sinh viên, liên thông, liên kết đào tạo với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường. Đồng thời. Cũng trong buổi hội thảo, TS Nguyễn Tấn Phước đã nêu lên vai trò của các doanh nghiệp trong việc đóng góp ý kiến xây dựng chuẩn đầu ra ở các trường đại học hiện nay.
Các đại biểu tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử
Tham dự hội thảo, các đại biểu đã có những ý kiến rất thiết thực cho lãnh đạo khoa về các chương trình đào hiện nay. Ngoài việc đảm bảo một đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, nhà trường cần chú trọng trang bị cho sinh viên những kỹ năng về ngoại ngữ, tin học và cả những kỹ năng mềm cần thiết khác. Đây cũng chính là vấn đề mà hầu hết các đại biểu đều quan tâm.
Sau buổi hội thảo, lãnh đạo và cán bộ khoa, bộ môn sẽ phải xem xét lại tất cả các ý kiến của các đại biểu và giảng viên tham dự, để cân nhắc và hoàn thiện mục tiêu chương trình và chuẩn đầu ra cho ngành.
Bài: Nga Nguyễn
Ảnh: Tiến Thành