Hệ sinh thái nông nghiệp ILYRA – Làm vườn qua điện thoại thông minh
VOV.VN – Với hệ sinh thái này, ngay cả một người không có kiến thức về nông nghiệp cũng có thể trồng được các loại rau ngon đúng chuẩn VietGAP.
Mong muốn hỗ trợ người dân TP. HCM có được quy trình canh tác tự động hoàn toàn cũng như có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua các thiết bị thông minh, sau hơn một năm nghiên cứu, Tiến sĩ Dương Trọng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Industry 4.0 ĐH Nguyễn Tất Thành cùng các cộng sự đã cho ra đời Hệ sinh thái nông nghiệp ILYRA.
Với ILYRA – người trồng có thể điều khiển các hệ thống hoạt động thông qua điện thoại hay máy tính để có được sản phẩm rau mong muốn theo lịch trình cụ thể. (Ảnh minh họa: KT)
Với hệ sinh thái này, ngay cả một người không có kiến thức về nông nghiệp cũng có thể trồng được các loại rau ngon đúng chuẩn VietGAP để phục vụ cho bữa cơm gia đình hoặc kinh doanh.
Trồng xà lách, dâu tây hay dưa lưới chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh. Đây là điều mà nhiều người dân TP. HCM trong thời gian tới có thể thực hiện được thông qua phần mềm và bộ vi xử lý của Hệ sinh thái nông nghiệp ILYRA.
Hệ sinh thái này sử dụng công nghệ kết nối vạn vật cùng với các cảm biến để thu thập thông tin, yếu tố sinh học môi trường nông nghiệp cùng phương pháp canh tác của chuyên gia để đưa ra quá trình tự động hóa cho các loại cây cụ thể.
Như vậy, dù không ra vườn, người trồng vẫn có thể điều khiển các hệ thống hoạt động thông qua điện thoại hay máy tính để có được sản phẩm mong muốn theo lịch trình cụ thể. Khi nào tưới nước, khi nào bón phân, phun sương hoặc đâu là thời điểm thu hoạch rau, phần mềm đã cài đặt sẵn. Do vậy, người trồng không cần trang bị bất cứ kiến thức gì về nông nghiệp vẫn có thể tự tin canh tác.
Tuy nhiên, theo TS. Dương Trọng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Industry 4.0, đó chưa phải là ưu thế lớn nhất của ILYRA. Bên cạnh quy trình tự động hóa, hệ sinh thái này còn giúp minh bạch thông tin nhờ quá trình truy xuất sản phẩm sát sao.
“Dự án không chỉ phục vụ trực tiếp cho người dân mà còn phục vụ cho các mô hình trồng, sản xuất lớn. Nếu đi theo chuỗi này, người trồng đã minh bạch hóa được quá trình trồng. Người dân hoặc các cơ quan, tổ chức sẽ lấy được thông tin thật chính xác, không phải chỉ là nội dung mà người trồng báo cáo lên. Hệ thống sẽ tự động báo cáo, tự động đưa thông tin vào bằng các hình thức quan trắc những yếu tố cần thiết”, TS. Dương Trọng Hải cho biết.
Hiện nhóm nghiên cứu dự án nông nghiệp công nghệ cao này vừa kết thúc quá trình thực nghiệm đối với 7 loại rau cụ thể và đang trong quá trình hoàn chỉnh hệ sinh thái. Thời gian tới, nhiều loại cây, thuốc sẽ được bổ sung để gia tăng sự chọn lựa cho người sử dụng.
Theo ông Đinh Văn Tuyến, thành viên nhóm nghiên cứu dự án, để hoàn tất quy trình canh tác tự động cho một loại cây cụ thể, cả nhóm phải dành rất nhiều thời gian lưu trữ thông tin từ quá trình hoạt động thực tế của chuyên gia nông nghiệp thông qua bộ cảm biến hiện đại. Do vậy, thay vì người trồng phải tốn thời gian nghiên cứu tài liệu, giờ đây đã có máy móc lo việc này.
“Điểm hay của dự án này nằm ở chỗ có thể học được trí tuệ của chuyên gia. Chuyên gia có các hành vi điều chỉnh dựa theo thông tin môi trường, sau đó hệ thống lên lịch trình tự động hoàn toàn”, ông Tuyến cho hay.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tự canh tác phục vụ bữa cơm hàng ngày của nhiều người dân thành thị, theo TS. Ngô Thị Lam Giang, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hệ sinh thái này còn là một gợi ý hay cho những chủ vườn muốn sản xuất theo quy mô lớn.
Cụ thể là việc sản xuất tự động hoàn toàn trên diện tích lớn không chỉ giúp tiết kiệm nhân công, chi phí mà còn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật gắt gao mà cách canh tác truyền thống khó đáp ứng được. Việc sản xuất khép kín, minh bạch thông tin sẽ giúp người trồng tạo dựng được niềm tin đối với người sử dụng sản phẩm.
“Dự án này có tính khả thi rất cao và tính đột phá về công nghệ. Cái hay nhất là dự án đã kết nối được tất cả các lĩnh vực đang nằm rời rạc với nhau thành một chuỗi. Nhờ vậy, mọi người có thể quản lý từ khâu trồng trọt cho tới khi sản phẩm đến người tiêu dùng”, TS. Ngô Thị Lam Giang nhận xét.
Bên cạnh việc tự động hóa quy trình canh tác và tập trung truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng sắp tới, nhóm nghiên cứu dự án còn lên kế hoạch thiết lập hệ thống kinh doanh điện tử để kết nối người trồng rau sạch với người mua.
Hiện tại, TS. Dương Trọng Hải cũng đang xúc tiến xây dựng một trang thông tin hướng dẫn người dân cách chọn và chế biến rau quả phù hợp với điều kiện sức khỏe. Nhóm nghiên cứu dự án mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư để sớm hoàn thiện và cung cấp hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao này đến đông đảo người dân./.
Theo Mỹ Dung/VOV-TP HCM