Cơ sở để nâng chất lượng đào tạo
Ba công khai (công khai cam kết chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai tài chính) mà Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện từ năm 2009 không gì khác nhằm mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng và cơ hội hòa nhập thị trường lao động của SV.
Triển khai từ khi Thông tư 09/2009-TT-BGDĐT và Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực (đến nay đã được hơn 8 năm) công tác đảm bảo chất lượng, cam kết chất lượng tại các trường ĐH đã có chuyển biến rất mạnh mẽ.
Ngoài công khai minh bạch các điều kiện và đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường trên website nhà trường, nhiều trường còn minh bạch chất lượng đào tạo bằng sự gắn kết, niềm tin từ xã hội bằng minh chứng tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, chuẩn đầu ra trong đào tạo từng ngành nghề của nhà trường và ở bản lĩnh của chính SV.
Báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến thời điểm tháng 9/2017, cả nước đã có hơn 30 trường ĐH đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, gần 100 đơn vị đã và đang thực hiện đăng ký kiểm định, đó là chưa kể gần 17 trường ĐH đang theo mô hình thí điểm cơ chế tự chủ tài chính (cam kết đầu ra là bắt buộc). Điều đó cho thấy sự chuyển mình rất rõ nét về chất lượng đào tạo của toàn hệ thống GDĐH nước ta.
Tám năm là chặng đường không dài nhưng cũng không phải ngắn để hệ thống GDĐH thiết lập được những cam kết của mình với xã hội, định vị vai trò và vị thế trong công tác đào tạo nhân lực của từng trường trong hệ thống. Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn và tổng thể công tác 3 công khai tại nhiều trường vẫn còn nhiều điều cần phải nhìn nhận.
Thầy N.Đ.T – Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH thẳng thắn nhìn nhận: Ba công khai không chỉ là hành lang, cơ sở để các trường thực hiện các điều chỉnh trong chương trình đào tạo, phương thức đánh giá và đảm bảo chất lượng từng ngành nghề với xã hội, mà nó còn giúp các trường có trách nhiệm hơn trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với thị trường lao động.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận công tác 3 công khai tại không ít trường vẫn đang còn nặng tính hình thức. Đặc biệt là từ khi có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường cam kết và công khai tỉ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp (1 tiêu chí nhỏ trong 3 công khai) thì tính hình thức càng rõ hơn.
“Cam kết chất lượng đào tạo là một yêu cầu bắt buộc. Chất lượng đào tạo, điều kiện để đảm bảo chất lượng gắn liền với tỉ lệ SV có việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, những con số hiện nay đang được các trường công bố vẫn thiếu sự xác tín. Trường nào cũng công bố tỉ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt từ 85 – 90%. Nhưng con số ấy lại không gắn với thực tế hay một bộ tiêu chí kiểm soát và đánh giá nào” – thầy T nói.
Trước những lo ngại và băn khoăn có thật trên, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết: Đây là điều Bộ GD&ĐT nhìn thấy, do đó sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các đơn vị kiểm định đảm nhiệm việc thẩm định kết quả công khai của các trường.
Theo ông Mai Văn Trinh, trước mắt các trường vẫn tự khai báo, tự công bố, nhưng Bộ GD&ĐT sẽ giao cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng thông qua các quyết định có mục tiêu cụ thể, phương thức, cách làm, nguyên tắc cụ thể để làm thẩm định và xác thực. Với cách làm này bảo đảm việc công khai của các trường sẽ trách nhiệm hơn và khi đã công bố với xã hội đó là những thông tin đáng tin cậy.
“Điểm cộng” của nhiều trường
Để giảm thiểu sự lãng phí, hệ quả của chính sách đào tạo thiếu khảo sát, chưa gắn với nhu cầu nhân lực thực tế của vùng, địa phương và thị trường lao động, hai năm trở lại đây rất nhiều trường ĐH – CĐ đã và đang đẩy mạnh chính sách đào tạo gắn kết trực tiếp với nhu cầu của DN, đào tạo theo đơn đặt hàng của DN.
Nhiều trường không chỉ xây dựng được những CLB Doanh nghiệp trong trường mà còn tạo ra được một môi trường học tập – thực hành cho SV các ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ, kinh tế, nông nghiệp… ngay tại nhà xưởng, môi trường sản xuất thực tế. Bên cạnh sự chuyển dịch trong tư duy tuyển sinh và đào tạo, không ít trường ĐH đã thực hiện luôn cam kết đầu ra việc làm cho SV ngay khi bắt đầu tuyển sinh.
Điển hình như Trường ĐH Văn Hiến mới đây đã ký kết hợp tác toàn diện với khoảng 50 DN lớn nhằm đảm bảo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Với ký kết hợp tác này, bình quân hàng năm sẽ có khoảng trên dưới 2.000 đầu việc “đón chờ” SV. Tương tự, ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng mới có sự ký kết hợp tác với Top 100 phong cách Doanh nhân nhằm đảm bảo đầu ra 30.000 việc làm cho SV nhà trường.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ngoài cam kết đầu ra việc làm cho tất cả SV của nhà trường, Ban giám hiệu nhà trường còn quyết liệt xây dựng nhiều kênh kết nối việc làm cho SV nhà trường. Ngoài CLB Doanh nhân trong trường với hơn 100 DN thành viên, nhà trường còn có nhiều chính sách hỗ trợ SV sau tốt nghiệp như: Quỹ hỗ trợ SV khởi nghiệp, Quỹ nâng bước SV vào tương lai…
ThS Đặng Kiên Cường – Trưởng phòng công tác SV, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và Quan hệ DN nhà trường cho biết: Trong 10 năm qua, nhờ sự chủ động và kết nối giữa nhà trường – DN mà SV nhà trường đã có hơn 400 đợt kiến tập, thực tập tại DN với 12.000 lượt SV. Đặc biệt, chỉ trong vòng 10 năm, việc kết nối, tạo việc làm cho SV giữa nhà trường – DN đã tạo ra hơn 62.527 việc làm bán thời gian cho SV.