Dự án khởi nghiệp của SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lọt top 20 Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022
NTTU – Hai dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – FLY BIO” của sinh viên Biện Công Đoàn và “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn – SOFA” của nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học thuộc Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT: Trần Vũ Hoài An, Trương Ái Vy, Huỳnh Quí Nguyệt do ThS. Huỳnh Văn Hiếu hướng dẫn đã xuất sắc ghi tên vào Top 20 dự án Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia 2022, tham gia Ngày hội kết nối, chào đầu tư. Đây là 1 trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.
Các thành viên của hai dự án tham gia buổi Chung tuyển chương trình khởi nghiệp quốc gia 2022
Để đạt lọt vào Top 20 của Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia 2022, các dự án đã phải vượt qua hơn 400 dự án trên cả nước, tham gia vòng tuyển chọn với những quy định chặt chẽ của Ban tổ chức là các startup, doanh nghiệp đang khởi nghiệp hoạt động không quá 5 năm, đã triển khai thực tế và có doanh thu, có sản phẩm, có doanh số và tiềm năng phát triển mở rộng thị trường trong nước lẫn quốc tế, các sản phẩm có yếu tố đổi mới sáng tạo, tạo tác động xã hội, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đánh giá của Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi, Top 20 dự án tham gia chương trình trưng bày và giới thiệu sản phẩm trong chương trình Diễn đàn năm nay đều có chất lượng vượt trội so với các năm trước. Các dự án thuộc đa lĩnh vực từ công nghệ cao đến các dự án công nghệ sinh học, nông nghiệp truyền thống có sự chuyển đổi trong công nghệ kinh doanh.
Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – FLY BIO”: Đưa ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn là một ý tưởng sử dụng ruồi lính đen làm nhà máy chế biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp dư thừa. Ruồi lính đen đã chính thức được cho phép nuôi theo Nghị định 46/2022/NĐ-CP. Việc ứng dụng ruồi lính đen xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và làm thức ăn chăn nuôi là giải pháp hiệu quả để tiếp cận xu hướng nông nghiệp bền vững toàn cầu hiện nay. Nhận thấy được tiềm năng ứng dụng ruồi lính đen, nhóm FLY BIO mong muốn xây dựng nhà máy chế biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp dư thừa, xử lý nhanh rác thải hữu cơ, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do khí metan, CO2 gây ra. Lượng phân hữu cơ này dùng để trả lại phù sa cho đất trong kế hoạch sản xuất tuần hoàn nông nghiệp giảm thấp nhất tình trạng sa mạc hóa. Bên cạnh đó quá trình nuôi ruồi lính đen còn mang lại một nguồn sinh khối protein cung cấp vào chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi bền vững, góp một phần giảm tác động của chuỗi cung ứng thức ăn. Vì giấc mơ một nền nông nghiệp xanh và bền vững, tác giả dự án muốn đóng góp phần nào đó công sức của mình đã tạo ra quy trình nuôi ấu trùng ruồi lính đen khác biệt so với các phương nuôi thông thường trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển của ấu trùng đồng thời tạo ra ấu trùng sạch, giảm mùi hôi và tạo lượng phân cho cây trồng hấp thụ dễ dàng nhất. Nhóm vinh dự nhận được giải thưởng quý quân trong cuộc thi Design Thinking Camp 2022 do Làng Innovative Design Thinking phối hợp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tổ chức. Kết quả đạt được là động lực thôi thúc niềm đam mê để tác giả không ngừng phát triển dự án. Và tham gia Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia 2022 là nền tảng cho sinh viên Biện Công Đoàn ghi nhận các đóng góp tích cực từ hội đồng cố vấn nhằm hoàn thiện và phát triển hơn nữa cho dự án, góp phần giải quyết vấn đề giảm lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững theo Cop26.
Dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn – SOFA” được triển khai với mục đích ưu tiên sức khỏe là trên hết. Hiện nay một số vùng nông nghiệp đang dần thay thế dùng thuốc có nguồn gốc hóa học sang sinh học nhằm đáp ứng chất lượng sản phẩm sạch và đạt chuẩn xuất khẩu. Với xu hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững hiện nay, nhóm đã tận dụng những nguồn lực sẵn có cùng với chuyên môn, nhóm đã cùng nhau nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng vi sinh hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường sản xuất sản phẩm hữu cơ. Dự án gồm 5 sản phẩm:
- SOFa Bio-decomposer với thành phần là vi sinh vật phân giải mang lại rất nhiều công dụng như: xử lý khử mùi hôi chuồng trại; dùng để ủ phân compost từ chất thải chăn nuôi, ủ cá, ủ đậu tươn…
- Humic plus với thành phần là những chất hữu cơ, vi sinh vật phân giải mang lại công dụng cải thiện môi trường đất giúp đất tơi xốp hơn, giảm ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ trong đất; kích thích hệ rễ của cây trồng giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, tăng diệp lục cho lá…
- SOFa Vaccino với thành phần là các vi sinh vật phân giải và nấm đối kháng được xem như là một lại vaccine cây trồng mang lại công dụng đối kháng chống lại nấm bệnh gây hại, phòng và trị một số bệnh vàng lá thối rễ, thối thân…
- Vanre với thành phần chính là các vi sinh đối kháng, mang lại công dụng tăng cường sức đề kháng cây trồng, giúp cây trồng kháng tốt với các loại côn trùng gây hại như sâu xanh, sâu tơ, bọ trĩ, nhện đỏ…
- Nutri super mang lại công dụng giúp cây trồng xanh lá, cứng cây, bật chồi, tăng ra hoa, đậu trái…
Nhóm mong muốn đưa bộ 5 sản phẩm ứng dụng vào nông nghiệp sản xuất hiện nay góp phần vào nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, sản xuất và xuất khẩu trái cây, nông sản… đạt các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, VietGAP, Global GAP… Nhóm đã đưa bộ phận kỹ thuật đến các vườn trồng nông nghiệp trực tiếp gặp nông dân để tư vấn chăm sóc và triển khai ứng dụng sản phẩm sinh học vào trồng trọt để sản phẩm đạt chất lượng sạch. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm còn chào sản phẩm đến các đại lý, các hợp tác xã tại các khu vực trồng nông nghiệp. Nhóm đã vinh dự nhận được giải nhì cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức. Trong chương trình này, nhóm được hội đồng chỉ ra hướng khắc phục một số nội dung còn thiếu sót trong quá trình thương mại sản phẩm, song cũng đã chinh phục được khách tham quan gian hàng với những đơn hàng dầu tiên.
NIIC đồng hành cùng các bạn sinh viên chuẩn bị sản phẩm trước khi đến Hà Nội tham gia Ngày hội kết nối, chào đầu tư và lựa chọn Top 10
Trước khi lên đường đến Hà Nội tham gia Ngày hội Kết nối, chào đầu tư, hai đội thi đã được Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp NIIC tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các nhóm thi chuẩn bị sản phẩm, hoàn chỉnh bao bì nhãn hiệu để đạt kết quả tốt nhất, thành công giới thiệu sản phẩm đến đại biểu và khách tham quan chương trình.
NIIC luôn nỗ lực cố gắng hết mình để hỗ trợ, đồng hành cùng các dự án tham gia các sân chơi khởi nghiệp toàn quốc nhằm xây dựng nền tảng khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, hoàn thành sứ mệnh ươm tạo khởi nghiệp, góp phần thực hiện hóa ước mơ thành công của sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Phát biểu tại , ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: ” ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đại học đã tự chủ tài chính từ rất lâu, phương châm của nhà trường là gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp hiện nay không chỉ là nguồn lực kinh tế của quốc gia mà trong quá trình gắn kết, các doanh nghiệp cũng tham gia với trường Nguyễn Tất Thành rất nhiều lĩnh vực. Doanh nghiệp không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tham gia vào việc giảng dạy đào tạo, chúng tôi cũng đã có câu lạc bộ 1000 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và trên cả nước… trong đó, 500 người đã trở thành giảng viên doanh nhân…” |
Một số hình ảnh về gian hàng trưng bày sản phẩm của hai dự án tại Ngày hội kết nối, chào đầu tư và lựa chọn Top 10:
NIIC