ĐH Nguyễn Tất Thành đăng cai điểm cầu hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh
Chiều 13/02/2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết tuyển sinh năm 2019, Triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 – trình độ ĐH chính quy, CĐ ngành GDMN chính quy với 7 điểm cầu trên toàn quốc: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Tây Nguyên, Cần Thơ, trong đó Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đăng cai điểm cầu tại TP. HCM.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh tại điểm cầu ĐH Nguyễn Tất Thành (TP. HCM)
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi và báo cáo các vấn đền liên quan đến công tác tuyển sinh trong năm 2019, làm rõ những yếu tố tác động đến công tác tuyển sinh, đưa ra ý kiến và thảo luận đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác tuyển sinh năm 2020, đặc biệt là đối với trình độ đại học – cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.
Chủ trì tại đầu cầu TP. HCM có: TS. Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học; cùng PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Hội nghị tại đầu cầu TP. HCM cũng thu hút gần 200 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu, lãnh đạo Phòng – Ban đào tạo cơ sở giáo dục đại học, đại diện Ban giám hiệu, lãnh đạo phòng đào tạo các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non, đại diện lãnh đạo và cán bộ đơn vị liên quan, các sở giáo dục và đào tạo của các tỉnh thành: Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tới tham dự.
TS. Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, và PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chủ trì hội nghị tại đầu cầu TP. HCM
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm 2019 đã hoàn thiện các quy trình, quy chế tuyển sinh, việc áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu tuyển sinh đã làm giảm được tối đa số lượng thí sinh ảo, kiểm soát được chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị. Theo báo cáo kết quả tuyển sinh thì năm 2019 chỉ có 76/361 cơ sở giáo dục tuyển đạt chỉ tiêu, chiếm 21,05%. Trong khi đó có đến 122 cơ sở tuyển sinh đạt dưới 50%, chiếm 33,8%. Báo cáo cũng cho chỉ ra 5 nhóm ngành đại học kém lợi thế nhất trong hệ thống là: Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học tự nhiên, Môi trường và bảo vệ môi trường, Dịch vụ xã hội. Trong đó có nhóm ngành, nông lâm nghiệp và thủy sản là có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất với tỷ lệ 32,6%.
Triển khai công tác tuyển sinh năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết năm nay sẽ không quy định mức thu như trước, song công tác tuyển sinh vẫn phải đảm bảo thực hiện ổn định để các thí sinh chủ động quy trình và ổn định tâm lý. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ chịu trách nhiệm về mức giá dịch vụ tuyển sinh.
Bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này, nhiều trường đại học đã tham gia đóng góp ý kiến. Qua đó đa số các đại biểu đều đồng tình với quan điểm nên giữ nguyên mức giá dịch vụ đã thu với thí sinh khi tham gia xét tuyển đại học: “Năm trước thu của thí sinh thế nào thì năm nay vẫn thu như thế, tức khoảng 30.000 đồng/nguyện vọng xét tuyển”.
Các đại biểu tại điểm cầu ĐH Nguyễn Tất Thành (TP. HCM) tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến
Tổng kết phiên làm việc trực tuyến tại điểm cầu TP. HCM, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã thay mặt các đại biểu kiến nghị một số nội dung trong công tác tuyển sinh 2020. – Thứ nhất, cần giữ nguyên phương án tuyển sinh và cơ chế thu – phân bổ dịch vụ tuyển sinh như năm 2019; Giữ ổn định quy trình thực hiện với sự hỗ trợ phần mềm và kỹ thuật lọc ảo từ Bộ trong xét tuyển nhằm đảm bảo quá trình xét tuyển được ổn định như những năm trước; – Các ngành sức khỏe xét tuyển học bạ tốt nghiệp loại giỏi, đồng thời đảm bảo điểm sàn quy định, đảm bảo thành tích tương xứng năng lực; – Không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh với các ngành mới, quy chi tiêu sang tỷ lệ % để đảm bảo nguồn lực cho cơ sở đào tạo thay vì 50 chỉ tiêu như quy định hiện nay; – Đưa ngành Luật vào nhóm ngành quan trọng, ưu tiên như Du lịch, CNTT; – Quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng chung cho tất cả chương trình đào tạo chất lượng cao.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chủ trì đầu cầu TP. HCM, tổng kết báo cáo và kiến nghị của các đại biểu
Bày tỏ quan điểm của mình về tầm quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng với các ngành khoa học sức khỏe, PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh: “Sức khỏe là khối ngành hết sức đặc thù liên quan đến sức khỏe cộng đồng, nên ngoài ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào thì các cơ sở giáo dục cần phải đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng trong quá trình đào tạo, nhằm đảm bảo người dân được khám chữa bệnh với đội ngũ bác sĩ có tay nghề chất lượng”.
Mang trong mình sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo đa ngành có uy tín tại Việt Nam và khu vực, trong đó khối ngành Sức khỏe trở thành ngành mũi nhọn mang tính chiến lược trong quá trình phát triển của Nhà trường.
Tin: Thanh Hương
Ảnh: Duy Anh