Đề án mở ngành Luật kinh tế (Văn Bằng 2)
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã từng bước thực hiện các chính sách đối ngoại trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Cùng với việc tham gia và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và khu vực, Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, điều này sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho thị trường Việt Nam khi hội nhập. Do đó, luật kinh tế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Luật kinh tế là công cụ bảo vệ cho các doanh nghiệp trong mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc nắm vững các quy định của pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Ngoài ra, hành lang pháp lý vững chắc sẽ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Chính vì vậy, bộ phận pháp chế doanh nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng nhất định. Trong bối cảnh này, các chuyên gia tư vấn về luật kinh tế với năng lực và trình độ, hiểu biết của mình về pháp luật sẽ trở thành những người tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp để thực hiện quá trình kinh doanh một cách hiệu quả và tránh được những rủi ro. Bên cạnh đó, do các quy định pháp luật của Việt Nam rất đa dạng và thường xuyên được cập nhật nên rất cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn pháp luật. Vì lẽ đó, ngành luật kinh tế luôn được chú trọng và đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, trong năm 2020, Việt Nam cần khoảng 6.000 Luật sư (hiện nay đã có khoảng 13.600 Luật sư), 2.300 thẩm phán, 2.000 Công chứng viên, 3.000 Chấp hành viên, 300 Thẩm tra viên thi hành án dân sự và Thừa phát lại… Ngoài ra, nhu cầu cán bộ pháp luật của hơn 800.000 doang nghiệp, của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên thực tế hiện nay mỗi năm, nước ta mới chỉ đào tạo được khoảng 3.500 – 4.000 cử nhân luật tại hơn 60 cơ sở.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế cả nước, các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố và các vùng lân cận ngày càng nhiều. Theo báo cáo thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động năm 2019, nền kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn GDP ước đạt 8,32%, cao hơn so với năm 2018 (8,3%), điều đó đã tác động tích cực đến thị trường lao động. Môi trường đầu tư được cải thiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được quan tâm và thúc đẩy tạo ra sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực, trong đó có sự góp phần không nhỏ của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019. Tính đến 30/11/2019, trên địa bàn thành phố đã có 42.022 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Việc phát triển doanh nghiệp mới và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra nhiều chỗ việc làm mới thu hút người lao động vào làm việc, trong đó có lao động có chuyên môn pháp luật.
Xem đề án mở ngành Luật kinh tế (Văn Bằng 2) TẠI ĐÂY
ĐH Nguyễn Tất Thành