Tọa đàm kỹ năng giúp sinh viên tránh “bẫy” việc làm dịp Tết
NTTU – Vào thời điểm Tết đến Xuân về, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng nhất là trong các lĩnh vực bán hàng, ăn uống, cà-phê… do người lao động về quê, nghỉ lễ. Để khắc phục tình trạng thiếu lao động tạm thời, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng sinh viên làm thời vụ. Đây là cơ hội để sinh viên có thêm thu nhập nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo việc làm, chiếm đoạt tiền và tài sản của sinh viên, nếu không may gặp phải doanh nghiệp “ma” hoặc đối tượng xấu. Để cảnh báo sinh viên tránh rơi vào bẫy lừa đảo tìm việc làm trong những ngày cuối năm nên chiều ngày 04/01/2023, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Chi Đoàn báo Tiền Phong (CQĐD tại TPHCM) và Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên – Thành Đoàn TP. HCM cùng tổ chức chương trình tọa đàm “Giúp sinh viên tránh bẫy việc làm dịp Tết”.
Hình ảnh các đại biểu, khách mời tại chương trình tọa đàm
Chương trình diễn ra tại cơ sở 300A Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP.HCM với sự có mặt của: ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo – Bí thư Đoàn Trường, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Phó ban tổ chức chương trình; nhà báo Nguyễn Dũng – Bí thư Chi đoàn CQĐD báo Tiền Phong tại TPHCM – Phó ban tổ chức; ông Lê Xuân Dũng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên – Thành Đoàn TP. HCM; thượng úy Vũ Mạnh Tuấn – Phó bí thư Đoàn Trường Cảnh sát Nhân dân II; cùng đông đải các quý thầy cô đại diện các phòng ban, khoa/viện và sinh viên trong toàn trường quan tâm đến chương trình cùng đến tham dự.
Tại buổi tọa đàm, thượng úy Vũ Mạnh Tuấn đã trình bày tham luận “Cảnh báo lừa đảo việc làm” xoay quanh hai nội dung trọng tâm, giúp các bạn sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận diện được “bẫy” làm thêm, qua đó có cách đề phòng và giải quyết nếu chẳng may mắc phải. Theo trung úy Tuấn, “mồi nhử” mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn, thường là các công việc với yêu cầu thực hiện các gói nhiệm vụ để lấy “hoa hồng” tăng dần. “Chẳng hạn như yêu cầu nạn nhân đặt đơn hàng với những món hàng ban đầu có giá trị thấp có giá trị chỉ vài chục nghìn đồng, nạn nhân sẽ nhận được cả vốn chục triệu đồng… đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp thêm tiền thì các đối tượng lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc, toàn bộ số tiền nạp vào cũng biến mất theo”, thượng úy Tuấn chia sẻ thêm.
Thượng úy Vũ Mạnh Tuấn
Đặc biệt là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến các nạn nhân nữ với những công việc đơn giản như: xâu chuỗi hạt, đắp móng theo mẫu, lắp ruột bút bi, thêu tranh chữ thập tại nhà… Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo này thường đăng ảnh sản phẩm và lợi nhuận công việc trên các trang thông tin tìm việc làm. Để nhận sản phẩm, đối tượng bắt đặt cọc trước, chuyển tiền cọc và từ đó nhân nhận sản phẩm kém chất lượng, làm được vài ngày thì xin nhận tiền cọc và tiền công nhưng sẽ bị mất liên lạc; – trường hợp thứ hai, nạn nhân không nhận được hàng cũng không lấy được cọc.
Sinh viên NTTU gửi thắc mắc các nhờ diễn giả giải đáp
Có nhiều hình thức lừa đảo cũ “được nhiều đối tượng xào đi xào lại” nhưng vẫn khá phổ biến và nhiều bạn trẻ vẫn mắc phải: nhập dữ liệu đánh máy, gõ mã capcha, post bài giới thiệu sản phẩm, gắn link lên các trang website có sẵn… Ngoài ra hiện nay còn thủ đoạn “đô-la đen” – trào lưu đang quay lại dưới hình thức việc làm. “Với lời mời ngân hàng mới chưa lưu hành thị trường, cần nạn nhân rửa tiền đô-la bằng dung dịch của bên đối tượng cung cấp. Muốn được vậy, nạn nhân phải chi trả cho dung dịch rửa tiền đó với mức giá 15 triệu đồng/lít, tuy nhiên tất cả chỉ là giả”, thượng úy Tuấn lưu ý.
Nhà báo Nguyễn Dũng, ông Lê Xuân Dũng và thượng úy Vũ Mạnh Tuấn (từ trái qua phải)
Tìm kiếm việc làm là để kiếm thêm thu nhập nhưng các bạn trẻ – nhất là các bạn sinh viên với tâm lý muốn có thêm tiền để trang trải cho cuộc sống rất dễ rơi vào các “bẫy lừa đảo” việc nhẹ lương cao mà “tiền mất tật mang”?. Vậy làm sao để có thể phân biệt được đâu là việc thật – đâu là việc giả? Dưới sự dẫn dắt của nhà báo Nguyễn Dũng, thượng úy Vũ Mạnh Tuấn cùng ông Lê Xuân Dũng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên – Thành Đoàn TP.HCM và đã đưa ra những cách thức giúp sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận diện “việc giả” qua đó phòng tránh “bẫy”/lừa đảo việc làm Tết:
– Thông tin công ty, việc làm không rõ ràng
– Thông tin tuyển dụng sơ sài (đặc biệt hay xuất hiện trên mạng xã hội), lưu ý đến cách bình luận kiểu “xin job”, “inbox”…; khóa thông tin, khóa bình luận…
– Lời chào mời hấp dẫn: “việc nhẹ lương cao”, “cần gấp”, “không yêu cầu kinh nghiệm”, “nhận 500.000 đồng mỗi ngày”, “đi làm ngay”…
– Tuyển dụng không cần thử việc hay kiểm tra năng lực…
Tin: Thanh Hương
Ảnh: P. CTSV